Ngành Công nghệ ô tô

Công nghệ Kỹ thuật ô tô là ngành tích hợp kiến thức và kỹ năng của nhiều lĩnh vực: cơ khí, tự động hóa, điện – điện tử và công nghệ chế tạo máy, chuyên về lĩnh vực khai thác, sử dụng và dịch vụ kỹ thuật ô tô.

Trên một chiếc ô tô có hàng trăm ngàn chi tiết máy được lắp ráp lại mới đi đến hoàn chỉnh. Để chế tạo một chiếc ôtô cần phải trải qua nhiều quá trình từ chế tạo đến lắp ráp và cần rất nhiều nhân lực. Bạn có thể là một công nhân trực tiếp lắp ráp hay chế tạo các chi tiết cơ khí hay một kỹ sư quản lý một quy trình trong hệ thống sản xuất. Một nhà máy lắp ráp ôtô rộng hàng chục ngàn hecta và có hàng trăm công nhân, kỹ sư, chuyên viên cùng nhau làm việc. Có thể thấy cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và trực tiếp, tiếp xúc với khoa học kỹ thuật mới trong ngành cơ khí là những cái được của người lao động.

Nhiều người vẫn còn mang nặng cảm giác về nghề cơ khí là dầu mỡ, là lấm lem. Thực ra ngày nay với sự phát triển của công nghệ hiện đại với nhiều máy móc hiện đại, công việc của người công nhân cơ khí đã được hỗ trợ rất nhiều. Môi trường làm việc cũng ngày càng được đảm bảo. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy hình ảnh những xưởng sản xuất rất sạch và người công nhân mặc đồng phục trắng khi làm việc. Hơn nữa, với những kinh nghiệm thu được về chuyên môn và kỹ năng làm việc, bạn sẽ mau chóng thăng tiến lên những vị trí cao hơn, có cơ hội được gửi đi học tập ở nước ngoài hay được công ty tài trợ những khóa học nâng cao trình độ. Làm việc trong một ngành lớn luôn có những ưu thế và cơ hội của nó. Một ngày nào đó, khi đã chín về chuyên môn và kinh nghiệm, bạn có thể đem những kiến thức của mình ra ngoài và xây dựng cơ ngơi riêng của mình bằng một garage sửa chữa bảo trì ôtô. Có thể nói, đây là một ngành rất thích hợp để những người trẻ nhiều tài năng vun đắp những hoài bão của mình.

Những tố chất thích hợp với ngành công nghệ ôtô

- Để làm tốt công việc kỹ thuật này có lẽ cái cần đầu tiên là sức khỏe. Bạn cần có sức khỏe tốt để hoàn thành công việc mỗi ngày. Bạn có thể sẽ phải cầm dụng cụ tháo lắp các bộ phận, chi tiết máy, điều khiển các thiết bị để kiểm tra, sữa chữa các bộ phận, chi tiết máy bị hỏng hóc... Đặc thù của nghề phù hợp với nam giới hơn vì vậy mà ít thấy bóng hồng nào trong một phân xưởng cơ khí.

- Thứ hai là bạn phải luôn cẩn thận cho dù công việc của bạn lặp đi lặp lại mỗi ngày. Bạn có thể là người công nhân bảo dưỡng hay làm ở bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm. Sai lầm nhỏ của bạn có thể sẽ làm chất lượng sản phẩm bị giảm sút nghiêm trọng. Nếu bạn là người kỹ sư thì sự kỹ càng trong công việc còn quan trọng hơn vì bạn sẽ là người chịu trách nhiệm trong các điểm hỏng hóc của sản phẩm.

- Để làm tốt bất cứ việc gì cũng cần sự yêu thích, đam mê. Nếu lúc nhỏ bạn hay tự mở tung chiếc xe hơi đồ chơi của bạn chỉ để xem bên trong nó là gì hay bạn luôn tò mò nguyên lý hoạt động của động cơ xe máy của bạn hoạt động ra sao, rất có thể bạn sẽ là một kỹ sư ôtô rất giỏi sau này đấy.

Bạn thích hợp với vị trí nào?

Đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề, bạn đã xác định sẽ làm trong ngành cơ khí ôtô. Nhưng quan trọng là hãy chọn đúng vị trí, ngành học và bậc học phù hợp với sở thích và trình độ của mình. Không nhất thiết phải là một kỹ sư, một sinh viên đại học mới có nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Ngành cơ khí ôtô đang là một ngành rất “hot” và nhiều trường lớp, cơ sở đào tạo đang mở rất nhiều chương trình để phục vụ nhân lực cho ngành.
- Nếu bạn là một học sinh khá giỏi và đủ sức để thi đậu bậc đại học ngành cơ khí ôtô, bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều kiến thức sâu hơn về một chiếc ôtô từ chế tạo, lắp ráp, nguyên lý hoạt động về cơ khí, hệ thống điện,... Trong chương trình bạn sẽ còn được học thêm về những công cụ khác hỗ trợ cho việc nghiên cứu thiết kế hay quản lý những quy trình sản xuất....
- Nếu là học sinh trung bình hoặc trung bình khá, bạn không thực sự giỏi về tính toán, thiết kế hay làm việc trên bàn giấy, ngược lại bạn thích trực tiếp làm việc với dụng cụ đồ nghề, bạn hãy trở thành những người công nhân trực tiếp làm nên sản phẩm. Hãy theo học một lớp trung cấp nghề hay cao đẳng nghề công ôtô. Bạn sẽ được thực hành nhiều hơn là tính toán số liệu trên giấy, tiếp xúc với nhiều hơn là mô hình trên máy tính. Hơn nữa, các trường đại học và các cơ sở giáo dục ngày nay luôn có những chương trình đào tạo liên thông để bạn có được bằng cấp và kiến thức nâng cao trình độ phục vụ cho sự nghiệp của mình.

Sơ bộ về chương trình đào tạo chung ngành công nghệ ô tô:

Ngành Công nghệ ô tô được đào tạo tại bậc trung cấp, cao đẳng, đại học. 
Kiến thức được trang bị bao gồm:
- Khối kiến thức khoa học cơ sở: Toán, Lý, Hóa, tin học, anh văn, phương pháp tính
- Khối kiến thức cơ sở ngành: đặc tính, tính chất, tính toán của các dạng toán lý hóa trong điều kiện thực tế, có liên quan đến chuyên ngành (cơ học, nhiệt học, điện năng, vật liệu, thủy lực…)
- Khối kiến thức về sử dụng các phần mềm thiết kế – mô phỏng: CAD, Matlab, LabVIEW, Proteus, AVR Studio, …
- Khối kiến thức về nguyên lý làm việc, kết cấu các chi tiết và các hệ thống của động cơ, gầm, điện, hệ thống tự động điều khiển, thiết bị tiện nghi. Kiến thức tính toán các hệ thống riêng biệt hợp thành mạng điện ô tô, hệ thống tự động điều khiển…..;
- Kiến thức về cấu tạo, chức năng của các thiết bị, quản lý, lựa chọn các thiết bị phù hợp với công việc trong xưởng ô tô;
- Kiến thức phân tích và khắc phục được các nguyên nhân hư hỏng trong quá trình hoạt động của phương tiện. Kiến thức kiểm định, bảo dưỡng, sửa chữa, thí nghiệm động cơ và ô tô;

Kỹ năng được đào tạo:
Chuyên môn nghề nghiệp được rèn luyện thành kỹ năng thông qua các môn thực hành, đồ án, đồ án tốt nghiệp
- Kỹ năng đo: đo chính xác bằng các loại công cụ đo chuyên ngành cơ khí
- Kỹ năng gia công nguội: gia công hình thành sản phẩm cơ khí bằng các phương tiện gia công bằng tay như bào, giũa, máy khoan
- Kỹ năng xây dựng bản vẽ kỹ thuật cơ khí trên máy tính bằng phần mềm AUTO CAD
- Kỹ năng kỹ thuật lái xe
- Kỹ năng xác định chức năng các chi tiết của xe tô tô
- Kỹ năng vận hành động cơ xăng: tính toán, xác định hỏng hóc, đề xuất cải tiến động cơ xăng
- Kỹ năng chuẩn đoán hệ thống điện điều khiển động cơ: kiểm tra, điều chỉnh, sửa chữa hệ thống điện điều khiển động cơ
- Kỹ năng tháo lắp, kiểm tra, sửa chữa, khảo nghiệm, vận hành các hệ thống điện động cơ được trang bị trên các chủng loại ôtô. Chẩn đoán, tìm pan và khắc phục các hư hỏng cho hệ thống điện động cơ đạt yêu cầu kỹ thuật cao trong thời gian ngắn nhất.
- Kỹ năng làm đồng, sửa chữa khung xe
- Kỹ năng sơn xe
- Kỹ năng vận hành Động cơ diesel: Xả gió và phát hành được một động cơ dầu thông dụng. Phát hiện được kim phun hư hỏng trên động cơ. Biết điều chỉnh và đưa ra được biện pháp khắc phục và sửa chữa. Phát hiện được hư hỏng ở bơm cao áp PF, PE, VE và GM. Biết điều chỉnh thời điểm phun dầu sớm trễ và đưa ra được biện pháp khắc phục và sửa chữa. Tìm pan tổng quát hệ thống nhiên liệu động cơ Diesel.

Cơ hội nghề nghiệp:
Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể đảm nhận công việc tại các vị trí :
– Vị trí vận hành, giám sát sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ô tô-máy động lực;
- Vị trí điều hành, giám sát tại các cơ sở sửa chữa ô tô-máy động lực;
- Vị trí kiểm định tại các trạm đăng kiểm ô tô;
- Vị trí kinh doanh tại các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, máy động lực, phụ tùng.

Ngày đăng: 4/23/2018 Lượt xem: 1636