Điện Công nghiệp - Nghề tiềm năng trong tương lai
Ngành Điện Công Nghiệp giữ vai trò ổn định và phát triển hệ thống truyền tải điện phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, dân sinh. Các kỹ sư Điện công nghiệp thực hiện các công việc trên thiết bị điện dân dụng và công nghiệp đạt yêu cầu về tiêu chuẩn và an toàn như: Lắp đặt và đấu nối các hệ thống truyền dẫn tín hiệu công nghiệp. Lắp đặt, đấu nối, lập trình và vận hành thiết bị lập trình LPC. Lắp đặt, đấu nối, lập trình và vận hành thiết bị lập trình vi điều khiển. Lắp đặt và kiểm tra các thiết bị điều hòa không khí. Lắp đặt và kiểm tra thiết bị điều khiển điện – khí nén. Vận hành và bảo dưỡng thiết bị điện công nghiệp…
Thi công hộp phân phối điện công nghiệp trong nhà máy
Có nhiều cấp độ đào tạo ngành nghề này như Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề, Đại học và sau Đại học, mang đến cho người học những kiến thức - kỹ năng để đáp ứng các yêu cầu lao động kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp. Khác với kỹ sư Điện công nghiệp (đào tạo ở bậc Đại học và sau Đại học) chịu trách nhiệm thiết kế hệ thống, đảm bảo hệ thống truyền tải điện ổn định với trách nhiệm cao, nhiều chất xám và kinh nghiệm chuyên môn. Người công nhân kỹ thuật điện công nghiệp (đào tạo ở bậc trung cấp, cao đẳng) sẽ phụ trách các khâu thi công kỹ thuật, đấu nối thi công hệ thống điện theo các bản vẽ kỹ thuật, và vận hành hệ thống điện, máy điện theo các nguyên lý chỉ dẫn đã được xây dựng.
Theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề, điện công nghiệp (điện CN) là nghề có số lượng trường đăng ký đào tạo nhiều nhất (52 trường) với 6.685 chỉ tiêu. Điều đó cho thấy nhu cầu đào tạo cũng như sử dụng nhân lực nghề này đang ở mức cao.