Lương ngành điện cao hay thấp?

Kinh doanh thua lỗ nhưng thu nhập của nhân viên ngành điện không hề thấp

Tại buổi họp báo công bố kết quả sản xuất kinh doanh và giá thành điện năm 2010 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN than thở rằng, ông cảm thấy “đau lòng” vì lương (năm 2009) ở EVN quá thấp, chỉ với 7,3 triệu đồng/tháng.

Những lời cảm thán này có lẽ khiến hàng triệu người lao động phải ngỡ ngàng và… tủi thân, bởi lẽ họ cũng phải làm việc quần quật mà chưa chắc đã có được mức lương bằng 1/3 lương bình quân của ngành điện.

Mới đây, trên VnExpress.net có đăng một bài viết của một giáo viên kể về công việc cũng như thu nhập của mình. Trong đó anh cho biết một tuần anh phải dạy 16 tiết, soạn 8 giáo án. Anh thường xuyên phải thức đêm để kịp soạn bài, chấm bài, ra đề kiểm tra, thao giảng... Tổng cộng số giờ làm việc trong ngày dành cho việc trường lớp của anh có khi lên đến 16 tiếng. Vậy mà lương của anh chưa đầy 2 triệu đồng mỗi tháng.

Theo ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, một giáo viên tốt nghiệp đại học ra trường năm 2010, thì sẽ có mức lương là 2,306 triệu đồng/tháng (mức lương tối thiểu nhân với hệ số lương cơ bản nhân với hệ số phụ cấp ưu đãi bình quân chung toàn ngành: 730.000 đồng x 2,34 x 1,35). Nhiều ngành nghề khác trong khu vực hành chính, do không có hệ số phụ cấp ưu đãi, lương còn thấp hơn.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiền lương của khu vực hành chính, hiện đang áp dụng theo lương tối thiểu x hệ số. Theo đó, lương tối thiểu (nhân viên phục vụ bậc 1) là 830.000 đồng/tháng; lương trung bình (chuyên viên bậc 1) là 1.942.200 đồng/tháng; lương tối đa (chuyên gia cao cấp bậc 3) 8.300.000 đồng/tháng. Tổng bí thư và Chủ tịch nước đang có hệ số lương cao nhất hiện nay là 13, tương ứng khoảng 10.790.000 đồng/tháng.

Ở khu vực sản xuất, mức lương khá chênh lệch nhưng nhìn chung hàng triệu công nhân, lao động đang phải sinh sống trong điều kiện hết sức khó khăn do thu nhập rất thấp.

Hồi tháng 5/2011, tại hội thảo về vấn đề lao động và điều kiện sống, làm việc của công nhân trong khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một báo cáo cho thấy gần 1,6 triệu công nhân, lao động trong 260 khu công nghiệp, 15 khu kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, đồng lương eo hẹp không đủ chi trả cho những chi tiêu tối thiểu.

Theo báo cáo này, mức thu nhập của công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chỉ đạt bình quân 2 triệu đồng/tháng, bao gồm cả các khoản phụ cấp như tiền xăng xe, chuyên cần, nhà trọ, làm thêm giờ...

Lương thấp hay cao cần phải được đánh giá trong mối tương quan với công việc và ngành nghề khác. Theo cách đánh giá này, rõ ràng là lương 7,3 triệu đồng của ngành điện là không hề thấp. Nếu tính cả năm lương của ngành điện sẽ vào khoảng 4.400 USD, trong khi bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam năm 2010 chỉ là 1.200USD. Còn nói lao động ngành điện vất vả, đòi hỏi kỹ thuật cao thì cũng chưa hẳn, có nhiều ngành còn nặng nhọc, nguy hiểm hay đòi hỏi trình độ cao hơn. Còn nhớ, năm 2010, Viện Toán đã “phá lệ” khi trả lương GS Ngô Bảo Châu 5 triệu đồng/tháng, tức là bằng 0,68 lương bình quân của ngành điện!

Cuối cùng, mức lương 7,3 triệu đồng/tháng của ngành điện có thể là thấp, rất thấp nếu so sánh với những ngành nghề, những đơn vị đang ăn nên làm ra. Nhưng thực tế là trong thời gian qua, ngành điện đã kinh doanh hiệu quả như thế nào? Có lẽ là với khoản lỗ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng thì mức lương 7,3 triệu đồng đã là “không tưởng”.

Ngày đăng: 4/19/2018 Lượt xem: 6633