Đào tạo kỹ sư tinh thần Nhật Bản sang Việt Nam

Chiều 3/7, Hiệp hội Các Trường Đào Tạo Kỹ Thuật Nhật Bản (KOSEN) đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam (MOLISA) đồng tổ chức chương trình “KOSEN FORUM in Viet Nam”.

Sự kiện diễn ra trong dịp chào mừng Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt– Nhật, có sự phối hợp tổ chức của Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT), Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.


Phát biểu tại Diễn đàn, Ông Isao Taniguchi - Chủ tịch Hiệp Hội Các Trường Đào Tạo Kỹ Thuật Nhật Bản giới thiệu, KOSEN là một tổ chức đào tạo bậc cao đẳng riêng của Nhật Bản, nhằm đào tạo nguồn nhân lực tiên tiến có tinh thần dám đương đầu với thử thách, có kỹ năng thực hành và khả năng sáng tạo. Tại Nhật Bản, mô hình KOSEN rất thành công và đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế cao của Nhật Bản với nền tảng là khoa học và công nghệ.

KOSEN đào tạo các kỹ sư có tính sáng tạo và thực tiễn để giải quyết các vấn đề xã hội trên toàn thế giới và tạo ra một sự đổi mới bằng sức mạnh của công nghệ như một “Bác sĩ xã hội”.

Ông Isao Taniguchi cho biết, trong “thời đại đổi mới: thời đại sáng tạo” ngày nay, kỹ sư là “nguồn nhân lực, kho báu của xã hội” quan trọng nhất đối với mỗi quốc gia và thế giới. Do vậy, cần phải đào tạo các kỹ sư và giáo dục sinh viên bằng giáo dục chuyên môn cao đẳng tiên tiến.

KOSEN mang một tinh thần làm việc của Nhật Bản.

"Tại sao các bạn (kỹ sư) cần phải học tập và làm việc chăm chỉ? Đó không phải là vì bản thân mình mà vì con người và xã hội. Đừng quên bạn cần làm việc vì con người, vì xã hội!" - ông Isao Taniguchi nhấn mạnh.

Mô hình đào tạo KOSEN nhằm gắn kết đào tạo nhân lực chất lượng cao với doanh nghiệp; đào tạo không chỉ lý thuyết mà hướng đến kỹ năng thực hành, khả năng sáng tạo của người học thông qua các hoạt động thực hành, nghiên cứu.

Nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là một trong các trụ cột quan trọng và là đòn bẩy phát triển kinh tế, xã hội; chính vì vậy, trong bối cảnh này, tiếp nhận, chia sẻ các mô hình phát triển đào tạo tiên tiến nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng đối với Việt Nam là hết sức cần thiết.

 

Dự án KOSEN Việt Nam được thực hiện trong 4 năm với mục tiêu: Giáo dục an toàn, đào tạo sự sáng tạo, nghiên cứu tốt nghiệp, giáo dục thiết kế kỹ thuật, đào tạo tích cực, học tập... Ngoài ra các trường cũng tự chủ động thực hiện chương trình, kết nối với các khu sản xuất lân cận các trường (Công ty địa phương, công ty vốn Nhật Bản) phục vụ cho mục đích việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp; liên kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp, công ty. Hiện, Việt Nam đã có 8 cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp của Bộ Công Thương đào tạo theo mô hình KOSEN, trong đó có 3 trường đại học và 5 trường cao đẳng. Việc triển khai đào tạo theo mô hình này giúp học sinh, sinh viên có cơ hội phát triển tư duy sáng tạo, tích cực, chủ động hơn trong học tập, hội nhập tốt với môi trường nghề nghiệp.

Sinh viên tốt nghiệp từ KOSEN sẽ là nhân tài của Việt Nam, giàu tinh thần dám đương đầu với thử thách, vừa thực tiễn, vừa sáng tạo, là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như phát triển đất nước.

Sinh viên Việt được làm việc trong các công ty lớn của Nhật Bản. Tỷ lệ cơ hội việc làm là hơn 20 công ty/1 sinh viên. Ngoài ra, nếu muốn, sinh viên Việt Nam cũng có thể vào học tại các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản.

Ông Andreas Schleicher (Giám đốc Ban Giáo dục và Kỹ năng của OECD) trong chuyến thăm trường cao đẳng NIT Tokyo nhận định về KOSEN rằng: “Điều tạo nên sự khác biệt của các trường KOSEN là sự kết hợp độc đáo của họ giữa việc học trên lớp, thực nghiệm và học qua dự án”.


Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân đã khẳng định KOSEN là mô hình đào tạo kết hợp rất tốt giữa phát triển năng lực thực hành cùng phát triển về đào tạo văn hóa, giáo dục, đặc biệt chú trọng đến giáo dục phẩm chất, hành vi cho người học. KOSEN chú trọng tuyển sinh những em học sinh có năng lực vào đào tạo trên khả năng gợi mở tư duy sáng tạo gắn tìm hiểu, nắm bắt vấn đề xã hội từ đó giải quyết vấn đề với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo.

Khi tiếp cận với mô hình KOSEN, vấn đề mà Việt Nam băn khoăn, lo lắng đó là mô hình này chưa thu hút được nhiều học sinh giỏi. Nguyên nhân khách quan do sự phát triển kinh tế khi mà các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu phát triển các lĩnh vực về thương mại, dịch vụ, chưa chú trọng phát triển về công nghiệp chế tạo. Đặc biệt là cơ hội việc làm trong lĩnh vực khoa học công nghệ kỹ thuật chưa nhiều và người Việt Nam vẫn còn tâm lý học để có bằng cấp cao hơn là học để có nghề phù hợp và gắn với đam mê nghề nghiệp.


Ngày đăng: 7/11/2018 Lượt xem: 1634