Cam kết cung cấp đủ nhân lực có kỹ năng nghề cho các doanh nghiệp Nhật Bản

  Đây là khẳng định của TS Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tại buổi làm việc giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng các bên liên quan về vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực cho làn sóng đầu tư và Việt Nam, chiều 20/1/2021. Phiên thảo luận tập trung vào nguồn đầu tư và nhân lực hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại buổi làm việc.

Để chuẩn bị cho làn sóng đầu tư vào Việt Nam, chúng ta cần chuẩn bị nhân lực, công nghiệp phụ trợ, năng lượng, thủ tục hành chính… Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực vô cùng quan trọng. Vì vậy, Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH làm việc với đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản để nắm bắt nhu cầu đầu tư cũng như nguồn nhân lực cần thiết tại Việt Nam để đáp ứng, đón đầu làn sóng đầu tư.

Tại buổi làm việc, ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, vấn đề phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của các chủ sử dụng lao động nói chung, trong đó có các doanh nghiệp FPI rất bức thiết.

"Các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm việc tại Việt Nam lâu dài rất rõ quan điểm của Chính phủ Việt Nam về vấn đề này trong thời gian qua. Đặc biệt trong năm 2020, Chính Phủ đã có Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kĩ năng nghề tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia; bên cạnh đó, xác định ngày 4/10 hàng năm là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam để khẳng định giá trị, vai trò của lao động có kỹ năng và định hướng phát triển trong thời gian tới", ông Trương Anh Dũng nói.

Ông Dũng khẳng định, giáo dục nghề nghiệp xác định hợp tác với các doanh nghiệp là giải pháp quan trọng để cung cấp nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động. Do vậy, giáo dục nghề nghiệp đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản để tổ chức đào tạo lao động có tay nghề.

Ông Trương Anh Dũng thông tin thêm, năm 2020, hệ thống GDNN Việt Nam tuyển sinh khoảng 2,28 triệu người, trong đó: Tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng khoảng 580 nghìn người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,7 triệu người. Mạng lưới các cơ sở GDNN tiếp tục được rà soát, sắp xếp theo lộ trình. Đến nay, cả nước có 1.911 cơ sở GDNN (408 trường cao đẳng, 446 trường trung cấp và 1.057 trung tâm GDNN), trong đó có 686 cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 35,8%). ''Trong giai đoạn tới, chúng tôi cam kết cung cấp đủ nhân lực có kỹ năng nghề cho các doanh nghiệp Nhật Bản", ông Trương Anh Dũng khẳng định

Tại đây, đại diện tổ chức JETRO Nhật Bản (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản) cho biết, những điểm nổi bật khi đầu tư vào Việt Nam là chi phí nhân công rẻ và nguồn lao động dồi dào, thêm vào đó là chất lượng nguồn lao động cao.

Tuy nhiên, một số vấn đề gần đây là chi phí nhân công đang có xu hướng tăng và tỉ lệ người lao động nghỉ việc khá cao. Ngoài ra, nguồn nhân lực cho công nghiệp phụ trợ vẫn đang thiếu hụt.

Các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn giảm chi phí cho nên rất muốn nâng cao tỉ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên thực tế để hiện thực hóa mong muốn này không dễ dàng.

Đại diện này chia sẻ khảo sát của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản năm 2019 tại Hội chợ việc làm dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội, các kỹ năng cần thiết nhất đối với lao động Việt Nam vào làm cho các doanh nghiệp Nhật là: Trình độ tiếng Nhật (49%); kỹ năng giao tiếp (39%); chuyên môn (33%); khả năng linh hoạt, hợp tác, thích ứng (24%); định hướng hành động (24%).


Đại diện tổ chức IEVJ có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam chia sẻ, thực tế đa số lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc 3-5 năm làm những công việc đơn giản, chưa đi sâu vào kĩ năng. Chính vì vậy, để hoàn thiện chính sách phối hợp giữa 2 nước về chiều sâu, nâng cao tỉ lệ xuất khẩu lao động có trình độ, tham gia vào những công việc có hàm lượng kĩ thuật cao, học tập được nhiều kĩ năng hơn.

Đồng thời, đại diện này cũng cho rằng cần phải đánh giá đúng hơn những kĩ năng "không thành văn" mà lao động Việt Nam học được tại Nhật Bản như là: Kinh nghiệm sống, hiếu biết văn hóa... để tạo cơ hội việc làm cho nguồn lao động này sau khi trở về nước.

Vấn đề nâng cao kĩ năng, tay nghề của lao động Việt Nam được bàn thảo kĩ lưỡng tại buổi làm việc này. Đại diện doanh nghiệp hay các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục đều đưa ra các bài học từ thực tiễn và những ý tưởng để thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp.

Kết lại buổi làm việc, các bên khẳng định sẽ có những giải pháp, kế hoạch cụ thể về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp FDI đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản.


http://gdnn.gov.vn/

 

 

 

 

Ngày đăng: 3/14/2021 Lượt xem: 1671